Điều kiện thủ tục phí nộp để Làm Sổ đỏ cho đất thừa kế năm 2022

Đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng có nguồn gốc từ nhận thừa kế rất phổ biến nhưng không phải thửa đất nào khi thừa kế cũng đã có Sổ đỏ. Để có đầy đủ quyền của người sử dụng đất cần thiết phải làm Sổ đỏ cho đất thừa kế.

1. Các hình thức thừa kế quyền sử dụng đất

Người thừa kế nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo hình thức di chúc hoặc theo pháp luật.

* Thừa kế theo di chúc

Di chúc gồm di chúc miệng và di chúc bằng văn bản. Căn cứ Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc bằng văn bản bao gồm:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

– Di chúc bằng văn bản có công chứng.

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

* Thừa kế theo pháp luật

Căn cứ khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, quyền sử dụng đất được chia theo pháp luật trong những trường hợp sau:

– Không có di chúc.

– Di chúc không hợp pháp.

– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản là quyền sử dụng đất sau:

– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.

– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.

– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Cho dù quyền sử dụng đất có thể được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật nhưng đất chưa có Giấy chứng nhận chủ yếu được hưởng thừa kế theo di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng hoặc thừa kế theo pháp luật.

2. Điều kiện được cấp Sổ đỏ

Căn cứ Điều 100, 101 Luật Đất đai 2013, điều kiện cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) gồm 02 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Có giấy tờ về quyền sử dụng đất là trường hợp hộ gia đình, cá nhân có một trong những loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Trường hợp 2: Không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Không có giấy tờ về quyền sử dụng đất là trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thừa kế mà không có một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Điều kiện, thủ tục và phí phải nộp làm Sổ đỏ cho đất thừa kế (Ảnh minh họa)

3. Hồ sơ, thủ tục cấp Sổ đỏ cho đất thừa kế

* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận

Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định hộ gia đình, cá nhân cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:

– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.

– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

– Trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất thì phải nộp một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (giấy tờ về thừa kế).

Lưu ý: Trường hợp sử dụng đất do nhận thừa kế trước ngày 01/7/2014 khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người thừa kế nộp văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật như di chúc, văn bản khai nhận di sản,… (theo khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

* Trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận

Bước 1. Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu

Cách 2: Không nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất

– Nếu địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

– Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Trong bước này người dân chỉ cần lưu ý vấn đề sau:

– Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).

– Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.

Bước 4. Trả kết quả

* Thời gian giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính các khoảng thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.

4. Phí phải nộp khi được cấp Sổ đỏ

4.1. Tiền sử dụng đất

* Không phải nộp tiền sử dụng đất

– Hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền sử dụng đất nếu có đủ 02 điều kiện sau:

Điều kiện 1: Đang sử dụng đất ổn định

Điều kiện 2: Có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Lưu ý: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đứng tên người khác (giấy tờ không đứng tên người đang sử dụng đất mà đứng tên người để lại di sản) thì không phải nộp tiền sử dụng đất nếu có đủ các điều kiện sau:

– Đất không có tranh chấp.

– Có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày 01/7/2014 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định của pháp luật như như di chúc

4.2. Lệ phí trước bạ

* Miễn lệ phí trước bạ

Căn cứ khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, nhà, đất nhận thừa kế giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sẽ được miễn lệ phí trước bạ.

* Mức nộp nếu không được miễn

Căn cứ Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP, lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận được tính theo công thức sau:

Lệ phí trước bạ = 0.5% x (Giá 1m2 đất tại Bảng giá đất x Diện tích)

– Giá 1m2 đất để tính lệ phí trước bạ là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

– Diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân do Văn phòng đăng ký đất đai xác định và cung cấp cho cơ quan thuế.

4.3. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận

– Do HĐND cấp tỉnh quy định.

– Mức thu: Từ 100.000 đồng trở xuống/giấy/lần cấp (một vài tỉnh thu 120.000 đồng).

Ngoài ra, một số tỉnh thành phải nộp thêm phí thẩm định hồ sơ.

Trên đây là quy định về điều kiện, thủ tục và phí phải nộp khi làm Sổ đỏ cho đất thừa kế. Đây là những quy định tổng quát, trên thực tế có thể phát sinh những trường hợp phức tạp phải vận dụng nhiều quy định khác nhau dẫn đến việc người dân không biết cách giải quyết.

 

Nguồn: https://luatvietnam.vn/

https://luatvietnam.vn/dat-dai-nha-o/lam-so-do-cho-dat-thua-ke-567-30232-article.html?fbclid=IwAR1EsIB81jPkXqYTXIQDb6Qo-XDW63wywmd59uHZyZ5YgbY0AVhV1xRj_2U

Bài viết liên quan

    ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

    Điền đầy đủ các thông tin bên dưới để nhận được:

    ➦ Tư vấn nhanh nhất.

    ➦ Cơ hội nhận thông tin đầu tư sinh lời cao.

    ➦ Các khu vực đất nền có dự án trọng điểm.

    ➦ Nhà phố giá tốt.

    ➦ Dự Án nhà ở cao câo của Elands.

    ➦ Chương trình ưu đãi mới nhất.



    Tư vấn miễn phí (24/7) 0823.633.336