Chỉ thị 13 giải quyết những vướng mắc, khó khăn tồn đọng của thị trường, đặc biệt là việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Thủ tướng chỉ đạo nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản
Chỉ thị 13 vừa được Chính phủ ban hành với rất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, một lần nữa tái khẳng định sự quan tâm, sát sao của Chính phủ đối với một ngành kinh tế quan trọng như bất động sản trong bối cảnh hiện nay.
Không siết tín dụng bất hợp lý, không chuyển trạng thái đột ngột từ nới lỏng sang kiểm soát chặt và ngược lại đối với các dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản…, đặc biệt, Chỉ thị 13 đã đi kèm đó rất nhiều giải pháp tập trung vào 2 nội dung quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật; và các giải pháp tháo gỡ thủ tục đầu tư tăng nguồn cung cho thị trường.
Nhiều dự thảo luật liên quan đến đất đai đang được đề xuất sửa đổi
Trong gần 1 tháng qua, từ khi Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra lấy ý kiến dự thảo sửa đổi luật đất đai 2013 đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của thị trường. Không chỉ Luật đất đai, nhiều luật khác như Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư… cũng đang được đề xuất sửa đổi nhằm hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư công bằng, lành mạnh hơn.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi thấy sự vào cuộc toàn diện. Các bộ ban ngành khác đang xúc tiến sửa các luật. Chỉ thị 13 đã tạo một động lực thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc”.
Chỉ thị 13 cũng nêu rất rõ những nội dung định hướng sửa đổi các luật hiện hành liên quan đến đất đai, bất động sản cho các cơ quan chức năng. Đơn cử như dự thảo Luật đất đai đang được đưa ra lấy ý kiến cũng đã có những lộ trình rất cụ thể.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Quốc hội đã xác định tháng 10/2022, sẽ lấy ý kiến về dự thảo lần đầu tiên. Đây là Luật rất quan trọng, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 3 kỳ họp, thứ 4,5,6. Nếu mọi việc tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu, tháng 10/2023, Bộ Luật đất đai 2023 sẽ được thông qua”.
Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, Chỉ thị 13 của Chính phủ thể hiện thị trường hiện chưa rơi vào trạng thái rủi ro hay tăng trưởng nóng… có tác động tâm lý, định hướng phát triển ổn định bền vững hơn cho thị trường về lâu dài.
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhận định: “Tôi cho rằng đây sẽ là tháo gỡ vể quan điểm, băn khoăn trong hành động của các cơ quan, như là vấn đề tăng cường thêm các nguồn lực về tài chính một cách đúng hướng cũng như giải quyết các điểm mà chúng ta còn đang băn khoăn trong việc thực thi các cơ sở pháp lý”.
Các thành viên thị trường cũng kỳ vọng chỉ thị lần này không chỉ thúc đẩy hành động cho cơ quan quản lý, mà còn thúc đẩy niềm tin cho toàn thị trường.
Bên cạnh sửa luật, các giải pháp gỡ khó về pháp lý, tăng nguồn cung dự án từ các địa phương được xem là “nút thắt” quan trọng. Điều này sẽ giúp ổn định thị trường bất động sản nhiều năm qua bị mất cân đối cung cầu, giá tăng quá cao so với thu nhập người dân.
Cần nhiều giải pháp tăng nguồn cung, ổn định thị trường bất động sản
Có thể thấy một tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây là TP Hồ Chí Minh đã bàn giao và khởi công hàng loạt dự án nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, giải quyết bài toán nhà ở cho hàng nghìn người dân thành phố. Đây là những kết quả ban đầu cho thấy nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung, mất cân đối cung cầu.
Theo kế hoạch, sắp tới thành phố còn có 14 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, sẽ triển khai đồng thời cung cấp thêm 15 đến 17 ngàn nhà ở xã hội cho người dân.
Để khuyến khích các doanh nghiệp, mới đây chính quyền thành phố đã công bố trình tự thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, xây lại chung cư cũ. Với những chỉ dẫn rất cụ thể về từng bước thủ tục, và thời gian hoàn thành rút ngắn thủ tục đầu tư dự án xuống tối đa 153 ngày.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở xã hội. Chúng tôi tham mưu cho Thành phố là rút ngắn thời gian làm thủ tục này xuống 50% cho các doanh nghiệp đang phải làm các thủ tục này”.
Các chuyên gia cho rằng, Chỉ thị 13 ra đúng lúc và kịp thời để giải quyết những vướng mắc, khó khăn tồn đọng của thị trường, đặc biệt là việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc công ty Việt An Hòa, nói: “Chỉ thị 13 làm lành mạnh hóa thị trường, tạo cho thị trường phát triển một cách ổn định bằng cái việc là không chỉ phát triển bất động sản thương mại mà còn phải phát triển bất động sản cho người có thu nhập thấp, nghĩa là người có nhu cầu thực trong xã hội”.
Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp các bộ ngành để nghiên cứu và ban hành một hướng dẫn về thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án… Song song đó, các địa phương như TP Hồ Chí Minh cũng đang rà soát lập danh mục các dự án, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư để tăng cung cho thị trường.
Trong một báo cáo vừa mới công bố từ Fiingroup, tăng trưởng dài hạn của ngành bất động sản dự báo còn gặp nhiều khó khăn từ câu chuyện kiểm soát tín dụng, hay nút thắt pháp lý chưa được gỡ ngay tức thì… Do đó, theo nhiều chuyên gia, muốn Chỉ thị 13 thực sự đi vào thực tiễn, hiệu quả thì cần nhiều hơn sự vào cuộc với các giải pháp cụ thể từ các cấp ban ngành địa phương.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/chi-thi-13-giai-quyet-nhung-vuong-mac-kho-khan-tren-thi-truong-bat-dong-san-2022090606101938.htm