Bộ TNMT yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,… để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định pháp luật.
Bộ TNMT vừa có Công văn số 4898/BTNMT – TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Công văn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ TNMT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay những nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Xử lý triệt để sai phạm
Cụ thể về tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, đề nghị các địa phương chỉ đạo công tác chuẩn bị xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” để ban hành và tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành.
Công văn nêu rõ đối với công tác quản lý, sử dụng đất, tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,… để phân lô, bán nền ; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.
Tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, các dự án chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở; các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, các công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích; các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, công tác xác định giá đất, công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương.
Trước đó, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong đó nêu rõ ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Tăng cường vai trò giám sát
Chia sẻ với DĐDN, một chuyên gia cho biết, hiện nay, Luật đất đai và các nghị định hướng dẫn không cấm tách thửa (hay được gọi là phân lô). Luật đất đai hiện hành cho phép phân lô đất ở tại nông thôn và đô thị, đồng thời cũng không có quy định cấm tách thửa đất nông nghiệp.
Các nghị định hướng dẫn còn giao UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện và diện tích tối thiểu được phân lô theo từng loại đất.
Từ quy định này, các tỉnh thành đã ban hành quyết định về điều kiện và diện tích tối thiểu được phân lô cho từng loại đất, trong đó có đất ở và đất nông nghiệp. Mỗi tỉnh thành có quy định diện tích tối thiểu cũng như điều kiện đấu nối hạ tầng, kỹ thuật khác nhau. Từ sự “mở cửa” này, nhiều cá nhân, công ty lách không làm dự án mà xin phân lô theo cá nhân để bán nền dưới vỏ bọc “dự án”.
“Điều đáng nói, do luật không cấm nên cơ quan chức năng các địa phương cũng lúng túng và đưa ra các giải pháp đối phó. Khi không kiểm soát được, các địa phương chọn biện pháp tạm dừng, sửa đổi các quyết định, tuy nhiên dù sửa đổi thì giới đầu cơ vẫn tìm cách lách luật” – chuyên gia này cho biết.
Liên quan đến tình trạng phân lô bán nền, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề xuất cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm tối đa về việc quản lý các dự án phân lô, bán nền, song song với đó, cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tiến tới cần ban hành một quy định chung về việc đất đai phân lô, bán nền phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí gì, còn cấp nào phê duyệt, quản lý chỉ cần căn cứ vào tiêu chí đã được ban hành và quy hoạch của từng địa phương.
“Trong nền kinh tế thị trường, cần thiết sử dụng các công cụ tài chính để dần thay thế các mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, đảm bảo cho thị trường quan trọng như bất động sản được vận hành một cách thông suốt, hiệu quả” – TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/bo-tnmt-chi-dao-nong-ve-tinh-trang-phan-lo-ban-nen-230055.html